8 tháng 4, 2011

Trị viêm họng hạt mùa lạnh

Viêm họng hạt là phản ứng của niêm mạc họng khi bị viêm nhiễm kinh niên. Biểu hiện là thành sau họng có nhiều hạt lớn nhỏ khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy ngứa, rát, nuốt vưỡng, húng hắng ho, ho dai dẳng có khi gây sốt, ho có đờm đặc. Viêm mạn tính, amiđan và xoang cũng dẫn đến đau họng hạt.

Dùng kháng sinh để điều trị sẽ giúp làm lui bệnh nhanh hơn nếu là viêm họng hạt cấp nhưng đối với viêm họng mạn thì việc dùng kháng sinh phối hợp là không cần thiết.

Nhiều người sử dụng biện pháp điện đốt các hạt viêm, khí dung kháng sinh tại chỗ… nhưng đây chỉ là điều trị triệu chứng, không cho kết quả lâu dài. Để điều trị tận gốc, phải điều trị nguyên nhân đó là những viêm nhiễm xung quanh amiđan và xoang thì bệnh mới không tái phát.

Với bệnh viêm họng hạt, tối ưu nhất là phòng bệnh:

- Giữ ấm vùng mặt, cổ, ngực, gan bàn chân, tránh ăn kem, uống nước đá lạnh.

- Giữ vệ sinh răng miệng và họng sạch sẽ.

- Có thói quen súc họng với nước muối ấm loãng có độ mặn tương đương với nước canh, ngày súc 3 lần.

- Không hút thuốc lá và cũng tránh ngửi khói thuốc thụ động, tránh nơi có không khí ô nhiễm…

Trị bệnh:

- Để điều trị viêm họng hạt, trước hết phải loại bỏ các ổ vi khuẩn xung quanh, tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng hạt để chữa một cách triệt để. Ví dụ: điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm khí phế quản, viêm amidan… để loại bỏ ổ vi khuẩn ở những nơi này.

- Sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ. Nếu viêm họng cấp tính do virus thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần các thuốc sốt, giảm ho và thuốc long đờm. Còn viêm họng do vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh, một đợt điều trị từ 5-7 ngày.

- Xông họng bằng các loại kháng sinh, kháng viêm hoặc chấm họng bằng các loại thuốc như glyxerin borat.

- Vệ sinh đường họng sạch sẽ, súc họng với nước muối ấm loãng, pha nước muối theo tỷ lệ 9gr muối trong 1 lít nước là tốt nhất. Cứ sau 2 tiếng súc họng 1 lần để sát trùng đường họng, giảm bớt được các triệu chứng của họng.

Súc họng bằng nước muối ấm không những sát trùng đường họng, giảm sưng, viêm mà còn giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn, giúp bệnh mau lành nhưng đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

Để việc súc họng bằng nước muối được hiệu quả, trước tiên, cần súc sạch khoang miệng rồi mới súc họng khoảng 3-4 lần với nước muối. Sau 2-3 giờ lại súc lại. Lưu ý súc họng trước và sau khi đi ngủ sẽ giúp giảm vưỡng víu ở họng.

Khi súc họng làm sao phải cổ ngửa ra sau đến mức tối đa để nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu “khò khò” đều đặn. Nếu chỉ viêm họng cấp, súc họng đều đặn sẽ giúp giảm triệu chứng rõ rệt sau 2-3 ngày.

- Tập thở sâu (phương pháp thở bụng) dài hơi, nhẹ nhàng và đều đặn.

- Uống nhiều nước hàng ngày để tránh cổ họng bị khô

- Hạn chế nói để tránh làm sưng, tổn thương họng.- Bài thuốc dân gian trị viêm họng hạt: cắt chanh thành lát, trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng, ăn cháo nóng nhiều hành, tía tô, hạt tiêu sẽ tiêu diệt được vi khuẩn vùng họng. Dùng vị thuốc đông y từ Kha tử giúp trị viêm họng, họng có đờm, tiêu đờm, ho rất hữu hiệu, hoặc cho 1 nắm hạt tam tử với 1 bát nước, đun sôi còn nửa bát uống sẽ rất tốt cho các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Theo afamily.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét